Nguyễn Tuân, Anh bạn Nguyên Hồng của tôi (1965)

nguyen-tuan-anh-ban-nguyen-hong-cua-toi-1965

Con gái út của Nguyễn Tuân, họa sĩ Thu Giang, trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Hồn Việt, ngày 7/7/2010, do Thu Hiền thực hiện, có một đoạn như sau:

Tôi thường là cầu nối giữa cha và những người bạn văn của ông, nên tôi biết đa phần những người cụ không ưa là người có tính tiểu nhân, trí trá, lừa thầy dối bạn… Ngược lại, cụ đã thương ai thì thương lắm.

Cha tôi rất thương ông Nguyên Hồng, nhưng cứ gặp Nguyên Hồng, cụ lại trêu “cái thằng nhà quê kia…”, nhiều lúc làm ông Nguyên Hồng phát cáu mà gắt lại “tôi là thằng nhà quê đấy!…”. Tính ông Nguyên Hồng rất bộc trực, chân chất tuy đôi lúc hơi thô.

Từ bé, tôi chưa từng thấy cha khóc bao giờ, vậy mà khi ông Nguyên Hồng chết, cha tôi đã khóc thành tiếng rồi lặn lội xuống tận Nhã Nam để viếng.

Dưới đây là lời tựa Nguyễn Tuân viết cho cuốn Bỉ vỏ và truyện ngắn của Nguyên Hồng, do nhà xuất bản Văn học ấn hành ở Mát-xcơ-va, bản tiếng Nga, năm 1966. Sau được đăng lại trên Tạp chí văn học số 3 – 1982, có lẽ để tưởng niệm Nguyên Hồng.


Theo như tôi biết thì không có nhà văn Việt Nam nào viết văn bằng máy chữ. Chúng tôi viết hết trang này sang trang khác bằng những cái ngòi bút bình thường. Cứ như vậy hết trang này sang trang khác từ năm này sang năm khác. Nhưng tôi hy vọng giờ đây khi đất nước chúng tôi bước lên con đường cơ khí hóa, thế nào cũng xuất hiện các đồng nghiệp trẻ trung trang bị kỹ thuật tốt hơn, máy chữ đối với họ sẽ trở thành công cụ lao động bình thường. Họ sẽ không còn phải dùng đến lọ mực truyền thống và cây bút cổ điển.

Mà còn gì tốt hơn là bản thảo được đánh máy? Trong tay anh lập tức có mấy bản, và bản nào cũng tuyệt. Có đánh mất một bản cũng chẳng có gì đáng sợ. Thêm vào đấy, bản thảo được đánh máy – trông thật tươm tất và chững chạc, gây ngay được sự tin cậy hoàn toàn. Niềm mơ ước này về tiến bộ kỹ thuật đối với tôi nó gắn với các bản thảo của Nguyên Hồng. Nguyên Hồng – con người muôn thuở đánh máy các bản thảo của mình, mà mất bản thảo – cũng ví như mất mát người bạn tốt nhất, mất người bạn đường mà với anh đã trở nên khẩn thiết trên mỗi chặng đường dài. Nguyên Hồng thường xuyên mất các bản thảo duy nhất của mình, và mỗi lần như thế thì nỗi đau khổ của anh không bút nào tả xiết. Trước đây anh sống ở một ngôi nhà tranh tre ở nông thôn. Cuối cùng bằng tiền nhuận bút cuốn sách Sóng gầm, tập đầu của bộ ba tiểu thuyết anh đang ấp ủ, anh đã dựng được ngôi nhà gỗ mái ngói. Tất nhiên nhà ngói không còn sợ cháy nhiều như nhà tranh tre, và bản thảo không còn bị đe dọa nữa, tuy nhiên mỗi lần rời Bắc Giang về Hà Nội, đi họp hay có công việc văn học nào khác, Nguyên Hồng dù sao đi nữa vẫn cứ tha tất cả các bản thảo, cũ cũng như mới, đi theo; những bản thảo ấy căng phồng cái cặp da cũng già cỗi như cái xe đạp của anh. Cần phải nói là mặc dù đối với các nhà văn Việt Nam, cái máy chữ hiện còn là công cụ cơ khí quá phức tạp, nhưng xe đạp họ lại điều khiển được đã từ lâu. Từ lúc còn trẻ, chúng tôi đã buộc phải du hành khắp đất nước bằng cái phương tiện giao thông này. Như vậy là tài hoa nhà văn của chúng tôi thể hiện không chỉ ở môn tập viết, mà cả ở kỹ năng đạp pêđan xe đạp.

Vậy là, nhìn cái cặp da cũ kỹ của Nguyên Hồng, bỏ quên – đã bao lần rồi không biết nữa – ở một góc nào đó, nơi nó có thể trở thành cái mồi ngon lành đối với bất cứ nhà phê bình nào, bao giờ tôi cũng nghĩ đến những trang giấy viết đặc kia bằng nét chữ nhỏ li ti, những trang giấy tưởng chừng chiếu sáng xuyên qua các thành cặp sờn cũ. Mỗi khi câu chuyện nói đến cái cặp lịch sử này thì ý kiến bạn bè của Nguyên Hồng lại khác biệt nhau. Một số cho rằng đó là cái cặp của công tố viên, con người sẵn sàng bằng tất cả sức nặng của các chứng cớ mà ông ta đã thu thập được giáng xuống đầu bị cáo, còn số khác – lại cho rằng đó là cái cặp của người bào chữa, sẵn sàng bằng tất cả những biện pháp anh ta có được bào chữa cho kẻ vô tội. Cứ đọc các sách của anh, thì các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng cả hai lập luận đều công bằng như nhau đối với nhà văn Nguyên Hồng cũng như với nội dung bên trong cái cặp của anh, cái cặp mà sau kinh nghiệm đau xót bây giờ anh không rời một phút nào, tha nó theo vào nhà hát, vào tiệm ăn và thậm chí, nghe bảo, còn đặt xuống để gối đầu mỗi khi anh ngủ.

Khi Nguyên Hồng yêu quí cái gì đó – thì đó cũng ví bằng như mối tình đầu – không thể so sánh với cái gì khác hơn. Anh yêu quí văn học, yêu quí lao động nhà văn của mình như vậy đấy: anh yêu thích giúp đỡ các nhà văn trẻ, chia sẻ kinh nghiệm với họ như vậy đấy; cũng như vậy anh yêu quí các bạn của mình và thời gian cùng họ chuyện trò thân ái, và cũng như vậy Nguyên Hồng yêu thích những cuộc du hành.

Cuộc du hành chung đầu tiên của chúng tôi thuộc vào thời kỳ khi hai chúng tôi vừa được thả ra khỏi căng của Pháp. Chúng tôi đi tầu từ Hà Nội về Nam Định, quê hương của Nguyên Hồng. Anh vừa ở căng Bắc-mê trở về dưới sự giám sát của cảnh sát, còn tôi có mấy người bạn sống ở Nam Định, từ đó ít lâu sau tôi lại bị đưa đi một trong những căng ở miền núi. Trong những năm thống trị của Pháp, rồi sau đó của Nhật, nhiều người trong chúng tôi đã quen nhau trong những chuyến đi trên các tuyến đường ấy. Chúng tôi bấy giờ còn chưa phải là các nhà văn nổi tiếng, nhưng qua sách cũng đã biết nhau. Rõ ràng là, bọn Pháp bấy giờ phân tích các đam mê văn chương của chúng tôi giỏi hơn cả chúng tôi, bởi vì cả hai chúng tôi cùng ngồi tù vì các hành động “phá hoại”, nhưng, mặc dù như vậy, trong lần gặp gỡ đầu tiên chúng tôi còn chưa đạt được sự thống nhất hoàn toàn trong các quan điểm về văn học và nghệ thuật, sự thống nhất mà về sau này chúng tôi đã cùng nhau đi tới.

Cuộc du hành chung thứ hai của chúng tôi đã là sau Cách mạng tháng Tám – hai chúng tôi cùng đi vào mặt trận phía Nam. Còn lần thứ ba chúng tôi vai bên vai đi bên nhau không chỉ một cây số đường rừng trong kháng chiến. Chúng tôi trở thành đôi bạn – du hành và đôi bạn nhà văn, cùng nhau chia sẻ vui buồn. Và cầu trời trong các cuộc hành trình của anh cũng có một người bạn đường như thế và người bạn như thế.

Tôi đã nói là Nguyên Hồng yêu thích viết. Anh bị ám ảnh bởi công việc của mình, anh sẵn sàng bất cứ giây phút nào cống hiến cho công việc ấy với tất cả niềm say mê của tâm hồn mình, dường như bằng mỗi dòng văn của mình, anh muốn bảo vệ cái gì đó sống thoát khỏi cái chết. Sự si cuồng sáng tác của anh – đó không phải là sự si cuồng của kẻ bút cuồng, đối với kẻ đó chuyện viết văn – là cái chứng bệnh tình cờ – anh viết đưa mình vào mỗi từ mỗi chữ, và tấm gương của anh dậy cho các nhà văn khác, cần phải làm việc – ra sao, không biết mệt mỏi, tiến lên nhịp bước cùng với dân tộc mình. Tôi đã thấy anh cùng một lúc quét nhà, ru nín con cái và đồng thời lại khéo tìm cách viết được. Và tôi không bao giờ quên được mấy câu trong lời đề tựa cho Bỉ vỏ ở lần xuất bản đầu tiên (1938):

“Khi ăn, khi chơi, khi ngủ… lúc nào tôi cũng nghĩ đến viết. Ở nhà, ngoài đường, trên vỉa hè, ở ghế vườn hoa, dưới gốc cây, bờ sông, bến tầu, đâu đâu cũng là chỗ tôi mơ tưởng đến viết. Có một xu một chinh nào tôi cũng mua giấy để viết. Nhưng, tiền càng ngày càng hiếm, tưởng như không còn bao giờ lọt vào tay tôi nữa… mẹ tôi đã giúp tôi, lấy chút ít trong ngân quỹ gia đình ra, vì thế tôi cố viết chữ sao cho thật nhỏ để ít ra bằng cách ấy giảm bớt chi phí của chúng tôi”.

Tôi không dừng lại tỉ mỉ ở nội dung các truyện ngắn và tiểu thuyết của anh và kể con cà con kê về bút pháp văn chương của anh, tôi nghĩ rằng các tác phẩm nằm trong cuốn sách này tự nó sẽ nói cho mình. Tôi chỉ muốn nói ít lời đơn giản về anh như về một con người, mặc dù, tất nhiên, cả điều này trong một bài cũng rất khó làm nổi. Ngoài tình yêu đối với văn học, Nguyên Hồng còn có một tấm lòng nhân hậu và một tâm hồn trong trắng khác thường. Điều này đặc biệt thấy rõ khi anh làm việc với lớp trẻ.

Trong thời gian kháng chiến, Nguyên Hồng phụ trách trường nghệ thuật Nhân dân, giúp đỡ những con người còn rất trẻ xuất thân từ quần chúng, công nhân, nông dân và bộ đội, tiếp thu các lý luận văn học và nghệ thuật, có được khái niệm về kỹ thuật sáng tác. Các bạn trẻ rất yêu mến Nguyên Hồng về sự nghiêm túc chân thành và tinh thần trách nhiệm của anh đối với công việc. Họ gọi anh là “ông đốc Hồng”.

Trường học ấy nằm trong rừng sâu, các lớp học và nhà ở dựng bằng tranh, nứa. Trường học do cả trò cả thầy hiệu trưởng cùng xây dựng. Nghĩ tới cái “trường mình” ấy, vô tình anh lại nhớ đến cái trường học khác trong cuốn sách Những ngày thơ ấu của anh, khi anh sống bằng khoản tiền lương thầy giáo nhỏ mọn của mình. Trước mặt tôi hiện lên những dòng văn của truyện ngắn Tôi làm thầy giáo.

“Trong các trường như vậy trẻ con dưới chừng mươi – mười lăm đứa mỗi trường, học hành dưới sự coi của các thầy giáo lang thang – những ông già kiệt sức và trở nên độc ác; hay những người trẻ, mười bảy – mười tám tuổi, đã nếm nỗi đắng cay của thất vọng và nghèo nàn. Các trường học, hệt như những kẻ tội phạm, trốn tránh sự săn đuổi dưới những mái nhà thảm hại ở các ngõ sâu, trên các gác xếp và trong những nhà phụ”

Và lại nữa: “An! Phương! Nữ! Let! Các em trai em gái nhỏ của tôi! Trong ba năm ấy các em đã tặng cho anh bao nhiêu giây phút hạnh phúc, khi sau mấy tháng trời các em bắt đầu đọc và viết được và thậm chí đánh vần được cả các từ tiếng Pháp. Tất cả ba năm đó anh đã thầm cảm ơn các em và sung sướng vì tình thương yêu và quyến luyến của những trái tim nhỏ bé và ngây thơ của các em”.

Trường học những năm chiến tranh ấy bằng tre lá nằm ở trong rừng, trường học mới dành cho các nhà văn trẻ đã mở năm 1965 ở Hà Nội, và anh bạn “ông đốc Hồng” của tôi lại cống hiến tất cả trái tim mình cho các nhiệm vụ không dễ dàng gì của mình. Cũng như phần lớn các nhà văn và nhà hoạt động nghệ thuật của chúng tôi, anh thường đi đến các đơn vị quân đội đang bảo vệ biên giới trên không của tổ quốc chúng tôi, kết hợp hai giáo huấn cơ bản của văn học chúng tôi: viết và chiến đấu.

Và khi tôi, bạn cũ của “ông đốc Hồng”, hôm nay ở đây, tại thành phố của các bạn tôi, viết những dòng này, tôi lại nhớ tới anh. Tôi thật sung sướng nếu như anh có mặt cùng chúng ta trong buổi tối nay.

1965 – Mát-xcơ-va

2 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s