Trích từ cuốn Vài kỷ niệm về mấy văn, thi-sĩ hiện đại (ký ức – phê bình),
Xây Dựng xuất bản và phát hành năm 1962 tại Sàigòn.
Sinh năm 1912 tại làng Tân-phong (trước gọi là Tân-hội, sau năm 1945 lại đổi là Phổ-phong) huyện Đức-phổ, tỉnh Quảng-ngãi, trong một gia đình cách mạng (thân phụ là Nguyễn-Thống, bác ruột là ông Tú Nguyễn-Tuyên, anh họ là Nguyễn-Nghiêm, đều bị tù tội vì hoạt động chính trị).
Có lẽ cũng vì chịu ảnh hưởng cha anh, nên Nguyễn Vỹ cũng nhiều lần ra tù vào khám:
Năm 1927, đang học năm thứ ba trường Trung-học Pháp-Việt Quy-nhơn, thì bị đuổi vì tham gia phong trào bãi khóa.
Sau đó, ra Hà-nội theo học ban Tú-tài. Dạy học một thời-gian tại trường Thăng-Long. Viết giúp nhiều báo Pháp-ngữ và Việt-ngữ như: La Patrie Annamite, L’Ami du Peuple Indochinois, Văn-học tạp-chí, Đông-Tây tuần-báo, Phụ-nữ tuần-báo, Tiểu-thuyết thứ năm, Nguyễn-Vỹ ở trong nhóm các nhà văn chống Tự-Lực văn-đoàn.
Năm 1937, Nguyễn Vỹ chủ trương tờ báo song ngữ Pháp Việt Bạch-nga – Le Cygne cùng với Trương-Tửu. Le Cygne là cơ-quan văn-nghệ và chính-trị có tính cách quá khích nên bị các báo Pháp phê bình: “Le Cygne est un coq de combat” (Bạch-nga là một con gà chọi). Báo Le Cygne bị phủ Thống-sứ Bắc-kỳ và chính phủ Nam-triều kiện tại tòa án Hà-nội về tội “phá rối cuộc trị an, xui dân làm loạn để đánh đổ chính-phủ quân chủ”. Nguyễn-Vỹ bị 6 tháng tù và 3.000 quan tiền phạt.
Năm 1940, Nguyễn-Vỹ viết hai quyển sách chống Nhật và Pháp, bị ở tù lần thứ hai tại Trà-khê (cao-nguyên Trung-Việt), từ 1941 đến 1945.
Tháng tám 1945, một nhóm chiến-sĩ quốc-gia cho ra tờ báo Tổ-Quốc ở Sàigòn do Nguyễn-Vỹ làm chủ bút; nhưng được 6 số thì bị đóng cửa.
Năm 1948, Nguyễn-Vỹ mở một nhà in nhỏ ở Đà Lạt và xuất bản tuần-báo Dân-Chủ, nhưng bị chính-phủ Nam-kỳ đóng cửa năm 1950.
Năm 1952, xuất bản nhật báo Dân Ta tại Sàigòn, nhưng rồi tờ báo này cũng bị thu hồi giấy phép (1954).
Từ năm 1958, Nguyễn-Vỹ chủ trương tạp-chí Phổ Thông, chuyên phổ biến văn-hóa, không tham gia chính-trị.
Đã xuất bản: Tập thơ đầu – Premières Poésies (thơ Việt và Pháp – Hà-nội, 1934); Grandeurs et Servitudes de Nguyễn-văn-Nguyên (1937); Đứa con hoang (tiểu-thuyết, 1937); Kẻ thù là Nhật-bản; Cái họa Nhật-bản; Devant le Draine franco-Vietnamien (Trước thảm kịch Pháp Việt, 1947); Chiếc áo cưới màu hồng (tiểu-thuyết, 1955); Giây bí rợ (tiểu-thuyết, 1956); Hai Thiêng-Liêng (tiểu-thuyết); Hoang-vu (thơ, 1962).
Cuối năm 1934, tôi thấy bầy bán – tại mấy tiệm sách ở Hà-nội một tập thơ mới xuất bản mang nhan-đề là Tập thơ đầu (Premières Poésies) của Nguyễn-Vỹ.
Tôi chưa kịp mua đọc tập thơ nửa Việt nữa Pháp ấy, thì bỗng được coi bài phê-bình trong tuần-báo Phong-Hóa do Lê-Ta (tức Thế-Lữ) viết. Những lời đả kích nặng nề viết bằng một giọng châm biếm nửa nạc nửa mỡ đặc biệt của Lê-Ta dễ làm cho độc-giả hồi ấy yên trí tin theo.
Chính tôi cũng bị những lời phê-bình bất lợi cho Nguyễn-Vỹ ấy lôi cuốn theo. Nhất là những câu thơ mà Lê-Ta đã trích ra càng làm tôi mạnh tin vào lời ông phê phán:
Ta hãy truyền một thi-hứng mới cho thế-kỷ hai mươi,
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiểm.
Tả “ông tượng đồng đen” ở bến “Quan Thánh” (Hà-nội), Nguyễn-Vỹ viết:
Da thịt ngài đều bằng đồng, ngài trạc năm sáu mươi tuổi.
Về hình thức, Nguyễn-Vỹ đã phỏng theo thơ alexandrin, lối thơ mười hai chân (12 pieds) của Pháp. Còn về giá-trị văn-chương thì những câu thơ đó thực rườm-rà và ý tưởng chẳng có gì mới lạ!
Vì vậy, tôi đã bỏ qua không đọc Tập thơ đầu của Nguyễn-quân.
Mãi đến năm 1942, nhận được cuốn Thi-nhân Việt-nam của Hoài Thanh và Hoài Chân gửi tặng, tôi lại thấy có bài nói về Nguyễn-Vỹ. Nhưng lần này tôi chú ý đến họ Nguyễn nhiều hơn, vì tôi nhận thấy ở nhà thơ này một cái gì đáng kể, mặc dầu đoạn đầu bài phê-bình trong Thi-nhân Việt-nam, cũng như trong Phong-Hóa trước kia – không có lợi cho Nguyễn-Vỹ:
Mở đầu bài phê-bình, Hoài-Thanh viết:
“Nguyễn-Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập-xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng-hửng trở vào, vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu-bộ lố-lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.
Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường.”
Rồi nhà phê-bình trích thơ của Nguyễn-Vỹ để chứng-minh và kết luận là họ Nguyễn “quả đã muốn lòe” đời! Và ông viết tiếp: “Thực ra, chúng ta cũng dễ bị lòe. Nhưng ở chỗ nào khác kia. Chứ trong văn-chương thì hơi khó”
Nhận xét này – theo tôi – có phần quá đáng. Tôi không tin là Nguyễn-Vỹ định “lòe” ai! Giữa lúc phong-trào Thơ Mới đang bành trướng mạnh, các nhà làm thơ mới đua nhau đi tìm những “chân trời mới”, những ý tưởng lạ, những hình thức phô diễn tân kỳ. Nhưng phần đông đều chịu ảnh-hưởng nặng-nề của văn-chương Pháp, nên người ta – dù muốn dù không – đã mượn nhiều ở cách cảm nghĩ và diễn tả của các nhà thơ Tây. Có người còn dịch phăng cả ý và lời của thơ Pháp như Xuân-Diệu. Như vậy thì, trong lúc xô bồ đua nhau chạy theo cái “mới” ấy, Nguyễn-Vỹ có bắt chước thơ alexandrin cũng là thường, không đáng chỉ trích. Điều đáng nói và cần nói là Nguyễn-quân có thành công hay không? Thế thôi!
Và tôi phải thành thực nhận rằng nhà thơ này đã không thành công trong Tập thơ đầu cũng như trong thể thơ mười hai chân rềnh-ràng chậm chạp. Nhưng Nguyễn-Vỹ đã thành công ở chỗ khác. Hoài-Thanh – trong Thi-nhân Việt-Nam – đã cho ta thưởng thức hai bài thơ rất hay của Nguyễn-Vỹ: Bài Sương rơi và Gửi Trương Tửu (1) với những lời phê-bình khen ngợi mà tôi xin trích in nguyên văn sau đây để biểu đồng tình:
“Tôi tin rằng linh-hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá-trị. Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn-Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc-điệu riêng để tả một cái gì đang rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn-vơ buồn ta đứng một mình trong lặng-lẽ.
Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn-Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn-Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình-dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ giãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã-hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng, thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; dụng vào sự thực những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây ở giọc đường hay trong một căn phòng bố thí.
Nguyễn-Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn-chương. Những ai cùng một cảnh huống, xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Thái Bạch, chỉ biết có văn-chương, còn khinh hết thẩy:
Khuất-bình từ phú huyền nhật nguyệt,
Sở-vương đài tạ không sơn khâu.
Hứng hàm lạc bút giao ngũ nhạc,
Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu.
Với Nguyễn-Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu-ngạo ấy và ngơ-ngác thấy săp cùng hàng với… chó.
Cái lối sắp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản-Đà. Một hôm say rượu, Tản-Đà trách Nguyễn-Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?” Nguyễn-Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”
Trên đây là tất cả những điều tôi được biết và cảm nghĩ về Nguyễn-Vỹ từ trước năm 1945, những điều còn lờ-mờ và thiếu sót. Và có lẽ tôi sẽ không bao giờ được biết thêm về anh để hôm nay ngồi viết những dòng kỷ-niệm và giới-thiệu này, nếu một buổi sáng kia – cách đây ba năm, tôi không nhận được bức thư sau đây:
Sàigòn, ngày 9 tháng 10 năm 1959.
Kính gửi Anh Bàng Bá-Lân
Tòa soạn Tân-Phong
Sàigòn.
Xin anh vui lòng viết cho chúng tôi một bài trả lời cuộc phỏng vấn của Ngày Mới để đăng trong báo, cùng với các bài trả lời của các bạn văn-nghệ-sĩ khác.
Anh có thể trả lời những câu nào anh thích và bỏ qua những câu hỏi mà anh không thấy cần thiết lắm.
Giữa bạn đồng nghiệp với nhau, xin thưa riêng cùng anh rằng Ngày Mới sẽ tặng anh tiền nhuận bút về bài ấy, sau khi nhận được bài.
Thành-thật cám ơn anh và thân kính chào anh.
Giám-đốc Chủ bút
Tuần-san NGÀY MỚI
Nguyễn-Vỹ
(Ký tên và đóng dấu)
Kèm theo bức thư là mấy số báo gửi tặng với chín câu hỏi. (2) Tôi đã trả lời bài phỏng vấn ấy. Và tôi quen Nguyễn-Vỹ từ đó, nhưng vẫn chưa có dịp gặp anh.
Bẵng đi một thời gian. Đến năm 1960, thể theo lời yêu cầu của một nhà xuất bản ở Sài-gòn, tôi nhận viết một bộ sách giáo-khoa về Việt-văn cho các lớp trung-học đệ nhất và nhị cấp. Quyển đầu là quyển Giảng Văn Đệ Tứ phát hành vào tháng 10 năm 1960. Tôi có gửi tặng Nguyễn-Vỹ một cuốn và liền nhận được thư anh trả lời (thư đề ngày 31-10-1960).
PHần chính nội-dung bức thư như sau:
“Nhân xem quyển Giảng Văn Đệ Tứ của anh (mà tôi sẽ giới-thiệu trong Phổ-Thông), tôi xin mời anh vui lòng viết cho Phổ-Thông tạp-chí, đặc biệt phụ trách thường xuyên mục “Những áng thơ hay”…
Mong anh nhận lời, và xin thành-thật cám ơn anh”
Tôi nhận lời. Thế là từ đó tôi khoác áo nhà phê-bình và được tự do khen chê thơ của thiên hạ. Cũng may là những nhận xét nông cạn và lời văn vô duyên của tôi lại lọt tai độc-giả và được nhiều người ưa mến, nên không đến nỗi phụ lòng tri kỷ…
Nhưng cũng lại chính vì thế mà tôi làm phiền Nguyễn-quân không ít! Bài của tôi chuyên đưa chậm, thỉnh thoảng không viết kiệp lại tự ý nghỉ “ngang xương” một hai kỳ, khiến độc giả bực mình! Nhiều người viết thư về tòa soạn thúc giục và yêu cầu bài ra đúng kỳ. Lúc đầu, tôi còn cố gắng viết; nhưng sau – vì ôm đồm nhiều việc, bận quá – tôi đâm ỳ ra, khiến Nguyễn-quân cứ phải kiếm cớ khất quanh với độc-giả! Có một điều tôi tưởng cũng nên ghi lại là các văn-nghệ-sĩ thường thích phóng túng: lối sống hay bừa bãi, việc làm thường thiếu tổ chức. Tôi chưa được rõ lối sống của Nguyễn-Vỹ thế nào; nhưng về việc làm báo của anh thì phải nhận là có tổ-chức chặt chẽ và đứng đắn. Báo ra đúng kỳ hạn, bài vở đều đặn, nhất là những mục do anh phụ trách (mà anh giữ rất nhiều mục với nhiều bút hiệu khác nhau) thì chẳng bao giờ chậm trễ, thiếu sót. Một điều đáng kể nữa là sổ sách rất đàng hoàng, tiền nhuận bút của các ký-giả và văn-hữu viết giúp được trả rất sòng phẳng, mau chóng. Đó là điều mà đa số các chủ báo khác không mấy lưu tâm! Có lẽ tại thế mà tạp-chí Phổ-Thông của Nguyễn-Vỹ đã sống được khá lâu, và có vẻ càng ngày càng tiến triển.
Tuy viết giúp thường xuyên cho tạp-chí Phổ Thông, tôi vẫn chưa có dịp gặp Nguyễn-Vỹ, mặc dầu đã nhiều lần anh nhắn trong thư ngỏ ý muốn gặp tôi ở tòa soạn. Chỉ vì tôi bận dạy học, lại thêm việc soạn sách giáo khoa, không còn hở thì giờ đi đâu được, dù là từ Phú-nhuận xuống đường Gia-Long! Bài vở, tôi đều gửi nhà bưu-điện chuyển, hoặc do nhân-viên nhà báo đến lấy. Cho đến giữa năm 1961, tôi mới có dịp ghé thăm tòa soạn Phổ-Thông (số 283, đường Gia-Long, Sàigòn) và lần ấy tôi gặp Nguyễn-Vỹ là lần thứ nhất.
Nguyễn-quân thân hình thấp lùn nhưng hơi mập, đi đứng vững-vàng chứ không có dáng loắt-choắt như phần nhiều những người thân hình thấp bé khác. Anh nói nhỏ, nhưng khá rõ. Giọng đều đều, hơi lạnh-lùng, ít thiện cảm. Vì vậy, câu chuyện giữa tôi với anh, hôm ấy, cũng không mấy thân-mật và không có gì đáng ghi nhớ. Chừng hút tàn điếu thuốc lá Minh-ty (3), tôi cáo từ ra về và nhận thấy Nguyễn-Vỹ thật khác xa Nguyễn-Vỹ mà tôi tưởng-tượng qua những bức thư anh gửi cho tôi. Nhưng đó chỉ là cảm-tưởng ban đầu; sau này có nhiều dịp gặp lại Nguyễn-quân, tôi hiểu anh hơn, mới thấy rằng trong cái vẻ ngoài ít niềm-nở ấy có chứa đựng những tình-cảm khá chân thành.
Hôm nay, lần giở bản thảo tập thơ Hoang-vu (mà Nguyễn-quân có nhã ý cho tôi mượn và cho biết sẽ xuất bản trong năm nay), tôi nhận thấy thơ anh gồm đủ các thể – cũ có, mới có – nhưng tuyệt nhiên không có bài nào làm theo lối “mười hai chân” nữa. Có lẽ Nguyễn-quân cũng đã nhận thấy rằng thơ hay không cần chú trọng lắm đến hình-thức trình bày… Tuy nhiên, anh không phải là người dễ bằng lòng với những cái có sẵn và luôn luôn muốn sáng tạo, tìm tòi…
Trong thi-phẩm Hoang-Vu, có mấy bài được trình bày khá lạ, như những bài Mưa rào và Hoàng hôn trích in sau đây:
MƯA RÀO
Mưa
Lưa thưa
Vài ba giọt…
Như rót rã-rời
Giọt lệ tình đau xót,
Như mây mịt-mù gió đưa,
Cây lá rung xào-xạc giữa trưa,
Mưa đổ xuống ào-ạt, mưa, mưa, mưa!
Thời-gian trôi tan-tác theo tiếng mưa cười;
Không-gian tan nát dập vùi theo thác mưa trôi.
Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa.
Cỏ hoa mừng nên vận hội ngả nghiêng tắm gội say sưa,
Nhưng ta không vui không mừng lòng không ca hát!
Ta đưa tay ra trời, xin dòng mưa thấm mát,
Tưới vết thương còn héo-hắt tự năm xưa!
Nhưng ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa!
Trời xanh xanh, mây bay tan-tác.
Ai còn ươm hạt mưa đào
Lóng-lánh trong tim hoa?
Ai ươm mơ sầu.
Ôi mong-manh,
Trong tim
Ta!
(Sàigòn, một chiều hè 1959)
Tác-giả muốn diễn tả những cơn mưa đặc biệt của miền Nam: bắt đầu lác-đác vài ba giọt, rồi mưa mau, rồi ào ào trong chốc lát, rồi thưa dần, cuối cùng còn lại lác-đác vài ba giọt và tạnh hẳn. Vì vậy, anh đã chọn cái hình-thức trình bày rất thích hợp là lối thơ “hình quả trám” (losange). Lối thơ này, đối với ta, tuy có vẻ mới lạ, nhưng nhiều thi-sĩ tây-phương đã làm từ lâu.
Với bài Hoàng-hôn, tác giả muốn cho người đọc thấy rõ hình ảnh một đàn cò trắng đang vội-vã bay về tổ ở phương trời xa, trong ánh chiều vàng sắp tắt nên anh đã trình bày bài thơ của mình theo hình chữ V:
HOÀNG HÔN
Một đàn
Cò con
Trắng nõn
Trắng non
Bay về
Sườn non
Gió giục,
Mây dồn
Tiếng gọi
Hoàng hôn
Buồn bã
Nỉ non.
Từ giã
Cô thôn…
Còn con
Trắng non
Nào kia
Lạc bầy
Lại bay
Vào mây
Ô kìa!
Tôi trích in hai bài thơ này, không phải vì giá-trị tư-tưởng hay văn-chương vì thực ra cũng không có gì đặc sắc, mà chỉ cốt chứng minh sự cố gắng tìm tòi những hình thức diễn tả mới lạ của Nguyễn-Vỹ, một nhà thơ không thích nằm yên trong sáo cũ khuôn mòn.
Qua những bài thơ khác của anh, trong Hoang-vu, tôi nhận thấy anh ít thành công ở những tình-cảm thông thường như: yêu, buồn, thương, nhớ… Với những loại bài này anh thường mắc phải những lỗi: sáo, rườm-rà, hoặc quá dễ dãi trong cách đặt câu dùng chữ. Thí-dụ:
… Rồi bay, bay mất đi thôi!
Bay đừng ai biết tăm hơi chỗ nào!
Mênh-mông đất rộng trời cao,
Bay! Bay! Tìm cảm tiêu-dao, thoát lồng!
……..
Buồn ôi! Vắng-vẻ lâm-ly!
Buồn ôi! Tan-tác sầu-bi u hoài!…
(Ra đi)
Buồn lắm, ai ơi! Chỉ muốn đi!
Đi! Đi! Mù-mịt bước lưu ly!
Ly bôi sầu tửu cô tâm lụy,
Lụy khổ tài hoa vạn cổ bi!
Bi hận đồng bào tình thảm xót;
Xót xa tổ-quốc cảnh tàn suy!
Suy đi nghĩ lại, lòng tơ vướng,
Vướng nợ duyên gì, hỡi Hóa-nhi?
(Mộng thoát-ly)
Tôi là người của gió sương,
Mải-mê đeo đuổi kiếp sầu thương
………
Còn thiết-tha chi cuộc hí trường?
Ham chi huyền-ảo giữa tang thương!
……..
Chết luôn dưới nấm mồ thu thủy,
Gió lịm điêu tàn, bóng tịch dương!
(Gửi cô Bích Tiên)
Em buồn, đứng tựa cửa phòng thu
Trông bước lên đường khách lãng-du
Sương gió đìu-hiu vương nửa kiếp,
Tài-hoa mang lụy, hận thiên thu!
Cảm-kích bi sầu, lệ chứa chan,
Em trao tặng khách trái tim vàng…
(Chiếc ảnh ngày xưa)
Ngoài những khuyết điểm trên, đôi khi tác-giả Hoang-Vu còn tỏ ra ít thận trọng trong việc gieo vần. Thí-dụ:
Bỗng văng vẳng tiếng kêu, tiếng khóc
Những u buồn tang tóc bi ai,
Rì-rầm trong gió trong mây,
Vang ra khắp chốn trần ai ta bà…
(Giấc mơ bom nguyên-tử)
…Buồn ôi! Tan-tác sầu-bi u-hoài!
Hết ngày rồi lại hết ngày…
(Ra đi)
Hoặc cảm-xúc hời-hợt thêu dệt nên những cảnh tượng giả tạo:
Bỗng hiện lên từ thâm cung rộn-rã,
Thướt-tha nàng Vệ-nữ nõn-nà duyên.
Nàng lướt sóng, diễm-kiều và ẻo-lả,
Đưa hai tay mừng đón khách tân niên.
Nàng bỗng chốc biến mình trong ngân thủy,
Ta lặn tìm, gọi khắp: “Mỹ-nhân ơi!”
Nàng lại hiện ra dáng hình tuyệt mỹ,
Nét ngọc ngà uốn lượn giữa chơi-vơi.
Tiếng cười dội cả khu trời rực-rỡ,
Nàng sa chân, vấp một mảnh sao rơi.
Ta cũng ngã bên thân hình Ngọc-nữ,
Nàng với ta ôm xiết chặt đôi môi…
(Đêm giao thừa tắm biển)
Nhưng Nguyễn-Vỹ đã thành công trong những bài thơ diễn tả nỗi buồn giận vô cùng chua xót mà anh đã từng trải, như bài Gửi Trương-Tửu và nhất là những bài làm trong chuỗi ngày bị giam cầm.
Những lúc đó, lời thơ anh toát ra rất tự-nhiên, giản-dị và thành-thực, vì từ thơ như tràn ngập trong mạch máu, chất chứa sẵn trong đầu.
Lời thơ lúc thì thản-nhiên như coi thường cảnh ngục tù giam hãm:
Rượu uống thầm trong tối,
Thơ chép thầm trong mơ…
Đêm khuya thơ réo-rắt
Muốn thoát ngục ra liền.
Tim tôi không còng sắt,
Thơ tôi không bị xiềng.
Bạn tù ngủ thiêm-thiếp,
Nàng thơ dậy nao-nao…
(Con chim trong tù)
Cũng vì giữ được vẻ thản-nhiên, nên anh mới có những nhận xét khách quan để mà ghi được những nét phác họa tả rất rõ và đúng cảnh lao tù:
Trăng khó vào ngục thất,
Gió thoảng ngoài xà-lim.
Bốn vách tường cao ngất;
Mù-mịt trong thâm nghiêm.
Có lúc lời thơ anh lại rất chua chát. Những khi đó anh thường nghĩ đến… chó, hay nói đến… chó! Ta có thể nói Nguyễn-Vỹ là nhà thơ Việt-nam có cảm-tình với chó nhiều nhất, và lần nào anh đưa con vật đó vào trong thơ cũng đều xúc cảm được người đọc.
Xin mời độc-giả thưởng thức mấy vần “thơ chó” (4) trong bài Hai đứa chó trích trong thi phẩm Hoang-vu:
Chuồng ngục tối om, kìa bốn xó,
Bốn thằng bơ-vơ như bốn chó!
Chẳng được nói năng, chẳng được cười,
Hai chân chồm hổm ngồi co ró.
….
Thằng tôi chờ chết ngồi co ró,
Làm thơ âm-thầm vần con chó.
Bỗng một chó Nhật vừa đi qua,
Đứng ngoài song sắt trố mắt ngó.
Nó nhìn thằng tôi, tôi nhìn nó:
Thông cảm cùng nhau hai đứa chó!
Bỗng dưng tôi cười: ha ! ha! ha!
Nó cũng vẫy đuôi cười: hó! hó!
Tên lính Nhật-hoàng la xí-xố
Đạp giầy lên lưng xua đuổi nó,
Rồi quật roi da lên đầu tôi,
Ào-ào, ạt-ạt như thần gió!
Chó Nhật ẳng-ẳng chạy gần đó,
Quay lại vẫy đuôi đứng lấp-ló.
Rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi
Thông cảm cùng nhau hai đứa chó!
Hà-nội đón mùa xuân Nhâm-ngọ,
Pháo nổ tưng bừng đèn sáng tỏ.
Chó Nhật vẫy đuôi chờ tôi ngâm
Dăm chục câu thơ mừng kiếp chó!
Ôi tôi ôi, tôi ôi là tôi!
Ôi chó ôi, chó ôi là chó! (5)
Một lần khác, bị giam cầm trong ngục Trà-Khê, Nguyễn-Vỹ nhìn qua lưới sắt ra ngoài: Một đêm thu đẹp, dưới ánh trăng thanh dăng tơ và dệt mộng, một “con chó trắng dễ thương và ngoan ngoãn” đang “giỡn với trăng” và “nhảy tới, nhảy lui, đùa với bóng”…
Nhà thơ của chúng ta bỗng bồi hồi cảm xúc và làm bài thơ Trăng, chó, tù so sánh ba hoàn-cảnh với nhau và thèm khát sự tự do của trăng và của chó:
… Bỗng dưng đôi mắt lệ hoen mờ,
Tôi gục xuống sàn tre, nằm thổn-thức…
Trăng với chó tự-do ngoài sân ngục,
Tôi bị giam sau bốn bức tường cao!
Ôi Tự-Do! Mi quý biết nhường bao!
Mi là cả trăng, sao, trời thơ mộng.
Mi là những nụ cười vui để sống,
Mi là dòng huyết thống của Thiêng-liêng.
Có Tự-Do là có cả thần tiên
Không có nó, trần-gian là ngục thẳm!
Và lần này thi sĩ đã không chống lại nỗi buồn giận uất ức bằng những lời mỉa mai chua chát hoặc vẻ bình thản hiên ngang như trong phần nhiều bài thơ khác mà để cho buồn tủi xâm chiếm trọn tâm-hồn và đã khóc rất nhiều, khóc thật sự, khóc thâu đêm:
Tù Trà-Khê say mê trong giấc đắm
Trên giường tù ai lệ đẫm thâu đêm!
Khóc vì bị mất tự-do thì trong chúng ta nhiều người từng hơn một lần đã khóc. Bởi vậy, những vần thơ trên đây của Nguyễn-Vỹ chắc hẳn được nhiều bạn đọc cảm thông.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới một câu của nhà văn Pháp La Bruyère: “Il faut exprimer le vrai pour écrire naturellement, fortement, délicatement” (Phải diễn tả sự thực thì văn viết mới tự nhiên, hùng hồn, tế nhị). Và một lần nữa tôi phải chấp nhận là xác đáng.
Nguyễn-Vỹ còn một bài thơ nhan-đề là “Hết chơi” họa nguyên-vận bài “Còn chơi” của Tản-Đà. Qua bài thơ họa này, ta hiểu rõ thêm về nhân-sinh quan của Nguyễn-Vỹ, nó chống hẳn lại cái nhân sinh quan yếm thế và hưởng lạc, chủ trương “chơi là lãi” của Nguyễn Khắc Hiếu. Xin trích ít câu tiêu-biểu của hai bài đối chiếu nhau để bạn đọc tiện so sánh:
Làng văn chỉ thiếu khách đua chơi!
Dan-díu như ai, tớ với đời!
Tớ đã với đời dan-díu mãi,
Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi!
Đời đương dan-díu, chửa cho thôi,
Tớ dám xa xôi để phụ đời.
Vắng tớ bấy lâu, đời nhớ tớ,
Nhớ đời nên tớ vội ra chơi.
Tớ hãy chơi cho quá nửa đời,
Đời chưa quá nửa, tớ chưa thôi.
Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ,
Buồn cả cho đời vắng bạn chơi!…
Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời.
Nghĩ đời như thế, dám nào thôi!
Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi,
Chơi mãi cho đời có bạn chơi!
Bút đã thôi rồi, lại chửa thôi.
Viết thêm câu nữa, hỏi đơi chơi:
“Lộng-hoàn” này điệu từ đâu trước?
Họa được hay không? Tớ đố đời!
(Còn Chơi)
Đua nhau hoa nguyệt, gọi là chơi?
Không hổ tài thơ giữa cõi đời?
Đời sống mênh-mông trong khổ lụy,
Ông còn chơi mãi, vẫn chưa thôi?
Ham chơi, chơi mãi chẳng buồn thôi,
Lại nói ba-hoa đổ tội đời!
Đời chẳng phụ ông, ông lại phụ:
Bởi đời đâu phải chỗ ông chơi!
Ông đã say sưa chẳng thiết đời,
Chỉ thơ với rượu mãi không thôi!
Cả đời ông cứ chơi chơi mãi,
Đời chán chơi rồi, ông cứ chơi!
Nghĩ lại như ông uổng một đời!
Một đời thơ thẩn để chơi thôi!
Dăm câu thơ vụn gò chơi mãi,
Để lại cho đời chỉ món chơi!
Dù muốn còn chơi, cũng hết thôi!
Chơi bời đã chán, có ai chơi!
Mấy câu “lộng bút”, đời chơi chán
Muốn họa mà chơi, chán mớ đời!
(Hết chơi)
Thơ họa như thế mà người họa không ngần ngại trao đến Tản-Đà thì kể cũng là một điểm khá đặc biệt ở Nguyễn-Vỹ. Cho nên “câu chuyện… chó” trao đổi giữa Tản-Đà và Nguyễn-Vỹ mà tôi đã thuật lại trên kia theo Hoài-Thanh, tưởng cũng không có gì đáng lấy làm lạ vậy.
Ngoài thơ, Nguyễn-Vỹ còn viết rất nhiều loại văn: luận-thuyết, biên-khảo, phê-bình, hồi-ký, truyện ngắn, truyện dài… Mà loại nào anh viết cũng được. Những hồi-ký như Tuấn, chàng trai nước Việt (dẫn chứng lịch-sử xã-hội hiện đại 1910-1960) và các truyện dài của anh đã xuất bản hoặc đăng trong tạp chí Phổ Thông đều có ưu điểm là thích hợp với mọi từng lớp (trí thức cũng như bình dân) và khá hấp dẫn. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Nguyễn-Vỹ còn thiếu một cái gì để đưa tác-giả lên hàng danh-sĩ. Cái gì ấy là dấu hiệu của thiên tài. Nó là chiếc đũa thần của nhà ảo-thuật, có thể gõ đá hóa vàng, làm nên một-cái-gì bằng những cái không là gì cả (faire quelque chose de rien). Cho nên mặc dầu tiểu-thuyết của Nguyễn-quân không thiếu vẻ hoạt động, hấp dẫn (tình-tiết khá ly kỳ, tâm-lý nhân-vật được xây dựng khá vững, văn gọn và trơn…) ta vẫn chưa thể đặt anh vào hàng những tiểu-thuyết gia danh tiếng. Nhưng ta phải công nhận anh là một nhà báo có tài.
Hỏi Nguyễn-Vỹ về tác phẩm nào, bài thơ nào tương đối anh ưng ý nhất, tôi được anh trả lời như sau:
“Anh hỏi tôi: Tác-phẩm nào, bài thơ nào của anh, anh ưng ý nhất? Không khác nào anh hỏi một người cha: Đứa con nào của anh, anh thương nhất? Tôi chắc người cha ấy sẽ trả lời: Đứa con nào của tôi cũng là huyết mạch của tôi, thịt da của tôi; đứa nào tôi cũng thương cả! Tôi cũng thế anh ạ. Tôi không thương đứa nào hơn, đứa nào kém. Nhưng ngộ nhỡ có tác phẩm nào do tim và hồn tôi đã phôi thai trong hoàn-cảnh thiếu thốn, để nó ra đời không được hoàn toàn, có một vài bệnh tật, thì chính nó được tôi thương hơn. Vậy anh không cần hỏi. Anh cứ xem trong các tác-phẩm của tôi quyển nào mà anh thấy có nhiều khuyết điểm nhất, bài thơ nào anh thấy có tật, què một chân hay câm một chữ, thì anh cứ tin rằng quyển sách đó, bài thơ đó được tôi yêu nhất.
Tôi không tin rằng mọi người cha đều trả lời như thế khi bày tỏ tình cảm về những đứa con của mình, dù là con tinh-thần hay vật-chất! Vì ca-dao ta đã có câu:
Cũng thì con mẹ con cha,
Con thì chín rưỡi, con ba mươi đồng!
Đó là tâm-lý chung của hầu hết chúng ta. Nhưng nếu lời tuyên bố trên kia của Nguyễn-quân là những lời thành-thực thì âu cũng là một điểm đặc biệt nữa của Nguyễn-Vỹ vậy.
(Tháng tám 1962)
(1) Hai bài này có trích in trong mục Thi tuyển ở dưới [không trích ở thread này].
(2) Dưới đây là 9 câu hỏi của báo Ngày Mới mà tôi tưởng cũng nên ghi lại cho được đầy đủ tài-liệu:
– Xin bạn cho biết bạn đã xuất bản năm nào, hoặc chừng nào xuất bản, những tác-phẩm gì?
– Hiện nay bạn đang viết sách gì, về loại gì, hoặc viết cho những báo nào, về những đề-mục nào?
– Ngoài ra, bạn còn hoạt động trong ngành nào khác nữa không, và công việc được tiến triển không?
– Riêng về nghề viết văn hay viết báo có tạo cho bạn một đời sống đầy đủ không, về vật-chất, về tinh thần?
– Gia-đình của bạn có đông không? Bạn có mấy người con, bao nhiêu tuổi, làm gì?
– Sau những công việc hàng ngày, bạn thích giải trí cách nào?
– Bạn nhận xét như thế nào về đại đa số độc-giả các sách, báo hiện nay?
– Ý kiến của bạn về tình hình văn-nghệ nói riêng, và văn-hóa nói chung của nước ta hiện nay như thế nào?
– Nguyện vọng thiết-tha của bạn: về đời sống cá nhân của bạn, về tương-lai văn-nghệ của nước Việt-Nam?
Tôi đã trả lời những câu phỏng vấn trên đây trong báo Ngày Mới (bộ mới) số 6, ra ngày 5-11-1959.
(3) Nguyễn Vỹ ưa hút thuốc lá bạc-hà nhãn-hiệu Minh-ty giá 15 đồng một gói (20 điếu)
(4) Thoạt đầu tác giả lấy nhan-đề bài thơ như vậy, sau mới đổi lại là “Hai đứa chó”
(5) Hà-nội 1942. Chàng viết sách chính-trị chủ trương chống Nhật, bị Nhật bắt giam chiều 30 Tết trong hầm kín của Karapotai, cùng với bốn người Việt khác. Bài thơ này làm trong ngục tử hình, đêm giao-thừa Nhâm-ngọ (Lời chú của Nguyễn-Vỹ).
Đây là một cái nhìn về Nguyễn Vỹ không nhuốm màu thành kiến như của Hoài Thanh và Thế Lữ. Đánh giá của Bàng Bá Lân về Nguyễn Vỹ, trong từng tư cách nhà thơ, nhà văn và nhà báo rất chính xác.
Người ta biết đến Nguyễn Vỹ với tư cách nhà thơ là phần nhiều, nhưng thơ Nguyễn Vỹ không có sự đột phá, cũng không gây tiếng vang lớn. Phải chăng vì ông quá chặt chẽ quy củ trong hoạt động sáng tác và quá chững chạc trong thái độ với cuộc đời?
Nguyễn Vỹ với tư cách nhà văn thì vô cùng duyên dáng, có cách viết trong sáng, hồn hậu, mang nhiều nét hoạt kê. Tôi đã phải cười khi đọc chi tiết cậu Bốn tìm cách tán cô Ba Hợi trong Tuấn, chàng trai nước Việt. Còn trong Văn thi sĩ tiền chiến, tôi vẫn nhớ chi tiết ông mô tả Nguyễn Văn Vĩnh lái chiếc mô tô sơn đỏ kềnh càng nhả khói như đang cỡi một con cá chép bay trong mây. Nhưng Bàng Bá Lân nói đúng, văn Nguyễn Vỹ “còn thiếu một cái gì để đưa tác-giả lên hàng danh-sĩ. Cái gì ấy là dấu hiệu của thiên tài. Nó là chiếc đũa thần của nhà ảo-thuật, có thể gõ đá hóa vàng, làm nên một-cái-gì bằng những cái không là gì cả (faire quelque chose de rien)”.
Cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, tuy chỉ là một tập hồi ký cá nhân, nhưng theo tôi thấy là một tác phẩm rất hữu ích cho những ai muốn dựng nên diện mạo của không gian văn nghệ trước 1945. Những nhận xét của Nguyễn Vỹ về từng người rất cụ thể, được củng cố bởi những quan sát rất rõ ràng. Trong đó ông còn đặt lên bàn cân Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh để so sánh. Cái nhìn của ông Vỹ, phần nào cho ta thấy vì sao Phong Hóa xếp thứ nhất phải là “sừ Ĩnh”, thứ hai mới tới “sừ Uỳnh”.
Sự chuẩn xác trong cái nhìn của Nguyễn Vỹ còn thể hiện ở việc ông chống Nhật từ rất sớm. Trong khi một số người còn ảo tưởng Nhật cùng chung da vàng sẽ giúp đỡ người mình chống Pháp, Nguyễn Vỹ xác định luôn kẻ thù là Nhật-bản, viết và xuất bản sách Cái họa Nhật-bản. Chính vì thế mà ông bị bắt bỏ tù, và khi ra tù ông đã nhanh chóng vào Nam.
Có lẽ Nguyễn Vỹ không được may mắn lắm với tư cách nhà báo, vì mỗi khi chủ trương một tờ báo, ít lâu sau liền bị rút giấy phép và đình bảng vì lý do chính trị. Chính vì thế mà có người nói Nguyễn Vỹ là con người phản kháng, một kiểu người không hay thấy ở Việt Nam; thời nào, dưới chế độ nào, Nguyễn Vỹ cũng gây khó chịu.
Phải chăng Nguyễn Vỹ cũng mang một “khuôn mặt Quảng Ngãi” như Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế hay Trương Công Định, dù ông chỉ ở vùng đất đó trong thời gian rất ngắn tuổi thơ của mình?
2 Comments