Đánh máy từ bài Đọc: Nam et Sylvie của Nam Kim, do Mặc Đỗ viết,
đăng trên tạp chí Sáng Tạo số 12, tháng 9 năm 1957
Cứ kể thì cuốn tiểu thuyết Nam et Sylvie mới xuất bản tại Ba Lê sẽ rất mau chìm vào trong cái rừng sách mỗi tháng lại mọc thêm đông ở Pháp. Phần thưởng Louis Barthou do Hàn Lâm Viện Pháp tặng sẽ không làm tăng thêm sự chú ý của độc giả quá số mươi cuốn sách bán thêm, tuy rằng ở Pháp vẫn còn phong trào tìm biết những chuyện xa xôi. Nhưng một người Việt chịu khó xuất bản một tác phẩm bằng Pháp văn ở Ba Lê và kỳ khu đến được một giải thưởng, dù lẫn vào nhiều giải thưởng khác hằng năm, của Hàn Lâm Viện, đó cũng là những lý do gợi sự chú ý của độc giả Việt
Sau hai đêm khổ công đọc hết tập Nam et Sylvie, cảm tưởng của người đọc không khác gì một người đương lúc oi ả tính đi ra bờ sông hóng gió thì gặp một anh bạn sơ giữ lại và bắt ngồi chịu chuyện với anh ta hằng mấy giờ liền, câu chuyện lại là một câu chuyện tình rất riêng tây.
Nam, chính cái anh bạn khéo vô duyên đã giữ ta lại trong căn phòng oi ả, là một sinh viên Việt, vào khoảng năm 1935, đang sửa soạn để thi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm. Anh ta cho biết đã chọn phần thạc sĩ văn phạm. Bất đồ anh bắt yêu một thiếu nữ Pháp, Sylvie. Mối tình của hai người cũng không ra ngoài khuôn khổ bình thường: những cuộc hẹn hò, những đêm trăng, những buổi sáng trời đẹp, hai tâm hồn thơ thẩn quấn quýt, chăn gối đôi khi, rồi giận hờn, lầm lỡ, nhiều nước mắt của chàng trai khóc một mình, rồi cắt nối, và sau cùng đứt hẳn, chàng sinh viên thuộc địa về xứ, nàng đi lấy chồng. Bấy nhiêu tình tiết trong hai trăm bốn mươi trang giấy.
Câu chuyện tình của mình, ai mà chẳng nưng niu? Biết bao nhiêu khám phá, đối với riêng mình và đôi khi san sẻ được cả với người yêu. Nhưng đem viết ra (hay giữ người ta lại trong mấy giờ nóng bức) đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhất là tác giả dường như là một người trí thức, lại được Nàng bảo rằng rất thông minh, anh ta cố chối cãi mãi nhưng rồi sau cũng nhận vật (tr. 235). Một người thông minh, lại được mẹ Nàng công nhận là lễ độ và duyên dáng (“un Nam d’une politesse raffinée, d’une grace exquise”, tr. 80), mà chịu khó dàn trải trên hai trăm bốn mươi trang giấy nào những mẩu nhật ký, nào những đoạn thư của chàng, của nàng, những cảm xúc của riêng hai người, những tâm tư vụn của riêng hai người, những khía cạnh tâm lý không xúc động đến người thứ ba? Đó là một dấu hỏi lớn không tài nào đáp nổi cho những người yêu cái đẹp, thích thưởng thức những sáng tác phẩm nghệ thuật.
Thật vậy, dù có dễ tính đến như những ông Hàn Pháp, cũng không thể nhìn Nam et Sylvie là một tác phẩm nghệ thuật. Một tác giả ở thế kỷ thứ hai mươi, viết cho người đương thời đọc, không hề tủn mủn, vụn vặt ngồi tâm sự như ông Nam Kim. Biết bao nhiêu mối bất bình làm ngao ngán cả đến những cô midinettes, huống chi là một người cầm bút! Mà cho dù ông Nam Kim có dụng ý muốn khơi nước mắt các cô midinettes ấy, như Delly và các tác giả “tiểu thuyết hồng” thì tác phẩm của ông cũng còn thua kém về phương diện xây dựng và tình tiết. Một cuốn tiểu thuyết đâu có phải là một cái cớ để tác giả làm văn, chơi chữ, phô bày những nét hóm hỉnh và phân bua với độc giả rằng mình là một tâm hồn cao thượng, nhiều ý nhị, hay nhũn nhặn tự nhận là có thông minh. Hai trăm bốn mươi trang giấy đầy rẫy cái tôi to tướng của tác giả – cứ cho là vậy vì theo lời quảng cáo Nam et Sylvie là một câu chuyện có thực – nghệ thuật không còn cách nào để chen chân vào. Cứ kể thì không thiếu những tiểu thuyết viết theo ngôi thứ nhất, nhưng cái ngôi thứ nhất trong Nam et Sylvie chỉ sống độc có cái tôi đơn chiếc của anh chàng Nam. Câu chuyện của Nam thành ra rất thật mà lại không thật chút nào. Một thanh niên của thế kỷ thứ hai mươi nếu vì một sự éo le kỳ quặc nào mà bị bắt buộc sống lại mẩu đời của Nam tất sẽ ra Cầu Mới (Pont Neuf) nhảy tỏm xuống sông Seine hay về Bắc Việt làm tôi tớ cho cộng sản cho rồi đời. Một bi kịch của tuổi trẻ (le drame de sa jeunesse, theo lời quảng cáo ngoài bìa sách) nếu chỉ phẳng lặng như vậy thì tốt hơn hết là cứ bằng lòng sống một cuộc đời bình thản, không bi kịch, còn hơn. Đem câu chuyện thực vào sách và đòi hỏi tới nghệ thuật, quả tình anh chàng Nam trong truyện của ông Nam Kim đã đem những tâm sự bấy lâu ấp ủ ra trước gió bão của công chúng. Nhưng biết làm sao, độc giả phải đòi hỏi nghệ thuật khi nói chuyện nghệ thuật, tâm sự của Nam đã in thành sách và ném vào thị trường văn hóa.
Tuy nhiên, nếu chiều ý tác giả và chỉ nghĩ đến thưởng thức văn Pháp, ta cũng nên dành những lời khen ngợi cho một sự cố gắng luyện tập Pháp văn của một người Việt. Câu văn của ông Nam Kim, cách diễn đạt của ông quả đã tới trình độ nắm vững cây bút Pháp văn. Một người Việt nếu đã có dịp viết Pháp văn và nay đọc văn ông Nam Kim rất sẽ nhận thấy rõ rệt sự cố gắng Pháp hóa và tự cho phép phỏng đoán rằng tác giả là người Việt. Ban tặng giải thưởng Louis Barthou cho một tác giả Việt viết truyện tâm sự của anh chàng Annamite tên là Nam, Hàn Lâm Viện Pháp đã làm một công việc rất là ý nghĩa.
Ảnh: từ phim L‘Amant