Đăng trên tạp chí Thanh Nghị số 98 và 99, 1945
Tôi không biết bộc bạch thế nào cho rõ. Xưa nay tôi vẫn có đôi chút u uất, ảm đạm, dẫu rằng đứng trước người khác thỉnh thoảng tôi cũng có lúc tỏ vẻ vui mừng. Thế nhưng lúc ngồi một mình tôi vẫn luôn [lac mac] với tôi như tất cả mọi tâm hồn không chịu ổn định. Mấy năm giời nay tôi không hề biết bình tĩnh là gì, tôi không hiểu tự tri là thế nào, tôi không hề có cái tri tính mà người Hy Lạp xưa kia vẫn yêu chuộng – tính tự tri (mình biết lấy mình). Ngoài sự thúc giục, áp bức của mối tình hoài dài dằng dặc và rối như mây lâu nay vấn vít lấy lòng tôi đó, tôi vẫn chưa hề có thể tìm ra được một mối manh nào trong đời người của tôi. Vậy nên khi cần giải thích tác phẩm của mình thì mình lại mù mịt hết sức.
Tôi rất cám ơn có nhiều người đã chịu phí thời giờ và hơi sức, đã viết những câu rất công phu để chú thích bản kịch của tôi. Sau mấy lần công diễn trong nước, luôn luôn lại thấy có người đoán rằng tôi là đồ đệ của Ibsen, có kẻ cho rằng trong tác phẩm của tôi có chỗ này, chỗ kia là bắt chước mối linh cảm trong Hippolytus của Euripides hay trong Phèdre của Racine. Thiệt ra đối với mấy lời phê bình trên đây tôi rất lấy làm lạ. Tôi là tôi, một thằng tôi hết sức nhỏ mọn: Tôi chưa hề khám phá được chỗ thâm thúy của bấy nhiêu danh sư cũng như con đom đóm đêm khuya không hề tưởng tượng được sáng láng của ban ngày. Trước đây mười mấy năm nay, cố nhiên tôi cũng đã đọc qua mấy bản kịch, diễn qua mấy lần tuồng, nhưng bây giờ mặc dầu tôi có ráng hết hơi sức mà suy nghĩ, tìm tòi, tôi vẫn không nhớ ra chỗ nào là chỗ tôi đã có ý bắt chước những ai ai. Cũng có lẽ là dưới cõi tiềm thức tôi đã tự mình dối mình và tôi là một người đầy tớ vong ân đã ăn cắp từng sợi chỉ vàng của chủ về, may xong bộ áo quê kệch của mình mà lại không chịu nhận rằng mấy sợi tơ vàng đã phai nhạt (vì nó rơi vào tay tôi) kia vẫn là của chủ. Thiệt ra câu chuyện cắp văn là một câu chuyện cũ, những đoạn rứt chỗ này đắp vào chỗ kia không phải là hiếm gì. Cùng một cốt chuyện, trải qua tay các nhà đại văn báo đã gia giảm tô vẽ, viết ra nào thi ca, nào hí kịch, nào truyện, nào tiểu thuyết. Những thí dụ rõ rệt cũng chẳng thiếu gì. Nếu như bây giờ tôi có thể bình tĩnh, lãnh đạm phân tích tác phẩm của tôi đây (lẽ cố nhiên ấy là một việc mà tính tự ái của tác giả không thích tí nào) thì tôi lại phải nói một lần nữa rằng: tôi không hồ nghĩ ra là trước lúc cầm bút, tôi đã đọc lại những tác phẩm nào để viết tập kịch Lôi vũ này, mặc dầu tôi hiểu rằng, nếu như trong tác phẩm này, chỉ một nét phẩy, chỉ một dấu chấm, hoặc một câu nào có thể na ná bắt chước được cái [bao dau] và mỹ miều của bấy nhiêu nhà danh sư thì cũng là một sự vẻ vang vô giá cho tôi rồi.
Tôi là một người không thể lãnh đạm, bình tĩnh. Bởi vậy trong lúc tôi bàn đến tác phẩm của tôi, e khi cũng không có thể bình tĩnh được. Tôi yêu Lôi vũ như người ta thích nhìn một đứa bé chạy nhảy dưới ánh sáng mặt trời, trong một ngày xuân ấm áp, giả tuyết vừa tan, hoặc như nỗi lòng khoan khoái lúc người ta nghe tiếng ễnh ương kêu inh ỏi trên con đường quê hẻo lánh. Tôi chỉ biết thốt ra ít nhiều linh cảm mà bấy nhiêu sinh mệnh cỏn con đã ủy thác cho tôi. Tôi chỉ có thể bộc bạch nỗi lòng phấn chấn chung đã cung cấp cho tôi mà thôi. Tôi không thể như một nhà tâm lý học lãnh đạm đứng ngay bên đó bình tĩnh mà quan sát cử chỉ của đứa em bé; tôi cũng không có thể như một nhà sinh vật học êm đềm trong phòng thí nghiệm đưa ngọn dao lý trí mà giải phẫu cái mạch sống của chú ễnh ương. Bấy nhiêu công việc xin dành cho các nhà phê bình Lôi vũ. Họ sẽ biết phân tích thế nào, đoán định thế nào: thế nào là đúng với nguyên tắc bi kịch, thế nào là trái. Đối với tập Lôi vũ này tôi chỉ biết sung sướng thích thú một các đơn giản thuần túy như bà mẹ vỗ về đứa con bé mình vừa sinh ra: đây là một mối tình cảm trước những sinh mệnh nguyên thủy. Tôi không có cái óc bình tĩnh của nhà phê bình lòng thành thực sẽ buộc tôi không được dùng những lời trá xảo mà bênh vực tác phẩm của tôi một cách giảo quyệt. Vậy nên trong cơ hội giời cho để bộc bạch này, tôi cũng chẳng biết nói thế nào. Trong một năm nay, bao nhiêu là bài phê bình về Lôi vũ thiệt làm cho tôi ái ngại, in tuồng như dần chích ngay vào cái ý thức “tự ti” của tôi, khiến tôi cảm thấy nỗi bất tài của mình một cách rất thống thiết. Tôi bỗng thấy rằng các nhà phê bình đó hiểu tác phẩm của tôi lại có vẻ phân minh, xác thiết hơn tôi nữa. Họ đã có thể tìm ra những nguyên tắc, những lý do, chỉ rõ những cứu cánh từng mũi kìm từng đường chỉ mà tôi chỉ cảm thấy một cách mơ màng không thành thực, không đầy đủ. Mỗi một lần đưa tập kịch này công diễn hay bàn bạc đến nó, là tôi không thể không cảm đến những nỗi ái ngại cục súc và không tự nhiên in tuồng như một người thợ chúng vụng về chỉ biết ẩu tả làm thành đồ lễ rồi lẩn ngay vào trong góc nhà mà không hề dám nghe bọn khách hàng đang chăm chú bới lông tìm vết vạch rõ những khuyết điểm trên mấy đường vẽ bấy nhiêu đó mới làm xong.
Tôi đã nói rằng, tôi không biết những kể lể thế này có lẽ sẽ làm cho bạn bè yêu dấu tôi bớt được đôi chút thất vọng chăng? Đã mấy lần có người hỏi tôi quyển Lôi Vũ là viết thế nào hay viết để làm gì. Thực ra về câu hỏi thứ nhất thì chính tôi đây cũng chẳng biết thế nào mà nói. Còn như câu thứ hai thì cũng đã có người giải quyết hộ tôi rồi. Trong bấy nhiêu lời giải thích của họ, có chỗ tôi có thể nhìn nhận được: tức như lối kiến giải cho rằng tôi có ý bộc lộ cái tội ác của đại gia đình chẳng hạn. Nhưng kể cũng lạ: bây giờ ngồi nhớ lại quang cảnh lúc cầm bút viết kịch ba năm trước đây, thì tôi thấy rằng tôi không nên dùng sự dối trá mà khoa trương ý kiến mình hồi đó, tôi nghĩ rằng tôi chưa bao giờ có ý thức, có mục đích rõ rệt là đem trào phúng công kích hay sửa đổi những gì gì. Cũng có lẽ rằng lúc viết xong mơ màng hình như có một mối tình cảm gì vùn vụt tuôn tới xúc động cả mình tôi và trong lúc thổ lộ mối tức giận bị đè nén đó tôi đã hủy bán gia đình và xã hội Trung Quốc chăng? Nhưng lúc đầu tiên, khi tôi bắt đầu có được một cảnh tượng mơ hồ của bản kịch Lôi Vũ này, sở dĩ hứng thú tôi bị xúc động là chỉ một vài câu chuyện, một vài nhân vật, một mối tình tự nguyên thủy vừa hồn nhiên lại vừa phức tạp.
Lôi vũ đối với tôi là một quyến rũ. Đi theo cùng sự quyến rũ đó một mối tình tự đã gây nên trong tâm hồn tôi một sự ám ảnh khó nói rõ, về bao nhiêu sự thần bí trong vũ trụ này. Lôi vũ có thể bảo là cái “di truyền của man tính” trong tâm hồn tôi. Cũng như lớp người nguyên thủy tổ tiên của chúng ta ngày trước, đối với bấy nhiêu hiện tượng không thể lý giải kia, tôi đã giương to cặp mắt kinh hãi, kỳ dị của tôi mà trông. Tôi không thể nói quyết rằng sự xúc động trong tập Lôi Vũ này là quỷ thần, là vận mạng hay là một lực lượng minh hiển nào. Về mặt tình cảm đối với tôi, Lôi vũ là tượng trưng của một sự hấp dẫn thần bí, của một ma lực đã níu chặt lấy tâm linh tôi. Ý nghĩa hiển thị của Lôi vũ không phải là nhân quả cũng không phải là báo ứng, mà chính là sự tàn nhẫn mà tôi đã cảm thấy trong trời đất này. Sự khốc bạc của tự nhiên đó, sự gặp gỡ giữa Phượng và Xung, hai người đều là vô tội thế mà cũng đủ gây nên cái chết của chúng. Nếu như độc giả chịu khó lĩnh hội điều ấy thì bản kịch này, tiếc rằng có lúc bị một vài tấn tuồng quá khẩn bức hoặc một vài cá tính hấp dẫn hẳn sự chú ý nhưng vẫn luôn mơ màng biểu lộ ra một thứ bí ẩn, ấy là sự tàn nhẫn và khắc độc trong cuộc tranh đấu giữa vũ trụ này. Sau bối cảnh tranh đấu đó hoặc giả có vị chủ tế nào đã có ý sắp đặt sự thống trị của ngài cũng nên. Vị chủ tế ấy, các nhà tiên tri của dân tộc Hebrews, tôn nó là Đức Chúa Trời, các nhà hí kịch Hy Lạp gọi đó là vận mệnh, người đời nay bỏ hết bấy nhiêu quan niệm mê ly hoảng hốt ấy và chỉ gọi nó là luật tự nhiên. Riêng về phần tôi, nghĩ đi nghĩ lại vẫn không tài nào đặt cho nó một cái tên gì cho đúng, và cũng không có tài để hình dung cho rõ chân tướng của nó nữa. Số là nó rất to tát và lại rất phức tạp. Mối tình cảm mà tôi cần biểu hiện ra trong tập kịch chỉ là sự đụng chạm cùng vụ trụ về phương diện ấy mà thôi.
Viết tập Lôi vũ là một sự yêu cầu rất cấp bức của tình cảm. Tôi nghĩ đến sự loài người là một giống đáng thương đến dường nào. Nó vẫn đeo đẳng một mối tình tự mãn, lúc nào cũng lăm le những sự mình làm chủ tế lấy vận mạng mình mà nào có làm được. Chẳng qua chỉ bị tình cảm hoặc lý trí của mình ngoạn lộng hoặc giả bị một lực lượng không thể thiếu, bị cơ hội, bị hoàn cảnh ngoạn lộng mà thôi! Sống trong chiếc lồng chật hẹp thế kia mà vẫn hớn hở kiêu căng nghĩ rằng đây có thể tự do tự tại vẫy vùng trong trời đất, thì cái con người mà ta vẫn cho là “vạn vật chi linh” (thiêng liêng hơn hết cả muôn vật) kia há chẳng phải là đã làm một việc cực kỳ ngu xuẩn ư? Tôi cũng thành tâm cầu khẩn khán giã sẽ cùng đem cặp mắt thương xót để nhìn xuống bấy nhiêu người trên mặt đất này. Bởi vậy, tôn sùng khán giả của tôi, trọng họ như thần như phật như những bậc tiên tri, tôi đã ủy cho họ cái thần lực biết trước những điều chưa tới. Trong lúc bấy nhiêu con người còn chưa rõ nỗi nguy hiểm của tự thân mình, ù ù cạc cạc, động lòng lao tâm múa may nhảy nhót, các khán giả đã có thể từ đầu chí cuối nhìn rõ những mối quan hệ rối reng của một đám người. Tôi làm cho khán giả cảm giác như ở trong một điềm gở, thấy rõ nỗi âm u trong tình thế “bất nương” này và dự đoán được rằng tình thế ấy sẽ không thể nào gây nên những kết quả tốt được. Tôi chỉ là một nhà [củ] nghèo khó nhưng tôi đã mời bao nhiêu khán khách ngồi ngay trên chỗ Đức Chúa trời để mà thương xót, nhìn xuống bấy nhiêu giống sinh vật còn đang cùng nhau nhô nhúc dưới kia. Chúng nó còn đang cùng nhau tranh giành rối rít. Trên lò lửa tình dục, chúng nó còn đang quằn quại như lũ chạch trên khô, hết hơi hết sức để tìm cách sống mà có biết đâu là một cái vực thẳm có nghìn muôn đọt đã há cái miệng to tướng ra ngay đằng trước mắt chúng nó. Chúng chẳng khác gì một con người gầy ôm sủa vào vũng lầy càng vùng vẫy lại càng lún sâu xuống. Sau lúc đã ăn năn với tội lỗi ngày trước, Chu Bình đành bám chặt lấy Phượng không chịu nhả ra, đã tưởng rằng nhờ mối linh cảm mới này mà gột tội lỗi mình. Nhưng chính vì vậy mà Bình đã lại phạm vào một tội lỗi đáng sợ hơn nữa và Bình đã đi vào chỗ chết. Phồn Y là người đàn bà rất đáng thương, không hề ăn năn và cứ bước liều bước liều trên đường gai gốc không dùng dằng một tí nào in như một con ngựa có chứng điên vậy. Phồn Y cũng đã bám chặt lấy Chu Bình những tưởng nhặt lấy những mảnh chiêm bao đã tan nát để mà tự cứu lấy mình, nào ngờ con đường ấy vẫn là con đường chết. Trong Lôi vũ, vũ trụ chẳng khác nào một cái đáy giếng khốc bạc: lúc đã rơi vào thời kêu van thế nào cũng khó mà thoát khỏi cái hàm hồ đen ngòm đó. Đứng về một phương diện mà xét, Lôi Vũ là một sự đụng chạm của tình cảm, là tượng trưng của một thứ sợ hãi mà người ta không biết gọi là gì. Sức hấp dẫn của sự đụng chạm ấy cũng in như mối cảm tình lũ trẻ lúc đêm khuya đăm đăm ngồi nghe các cụ già mặt đầy những nét dăn của kinh nghiệm đang nỉ non kể kể những chuyện ống cuội đốt nhà, xác ma cựa quậy vậy. Chỗ kỳ quái là trong lúc da thịt rờn rợn vì sợ hãi đã mơ màng dường thấy bóng quỷ nhấp nhỏm đầu tường, mà chính cái sợ đó lại có sẵn sức quyến rũ. Ta vẫn chập chờn, lăm le nuốt từng thỏi bọt miếng lý thú, buồng tim phập phồng vì sợ hãi nhưng vẫn đưa tay níu lấy cái cánh tay khô khan kia mà khẩn khoản “đi tới đây”. Bởi vậy sở dĩ Lôi vũ đã ra đời là chính vì một thứ tâm tình ám ảnh, một thứ tình cảm đang lên cơn. Bảo nó là sự lý giải về một thứ lực lượng huyền bí của vũ trụ thì thật là một câu nói khoa trương điên rồ. Nhưng bảo rằng nó là đại biểu cho xu hướng về phần tính tình của một cá nhân đã đứng trước nỗi yêu thương không có tên mà gọi, mà cũng không có lý mà giảng được thì trong cái đời người ngắn ngủi của tôi này, tập kịch này thiệt cũng đã vạch ra được một giai đoạn rất phân minh chăng?
Cùng với mối tình tự nguyên thủy hay dã man đó lại còn một phương diện đáng chú ý nữa ấy là hoàn cảnh nóng nực của tính tình tôi. Mùa hè là tiết nóng nực, nóng nực lại dễ khua đuổi lý tính người ta. Đến tiết hè nhiệt độ lên cao gầm giời in như cục sắt đốt đỏ người ta rất dễ dàng quay về con đường nguyên thủy, dã man, lưu huyết hoặc vì giận dữ hoặc vì yêu đương; toàn là đi đến cực đoan. Phải cháy bùng lên một khoảng như điện, như sét, khó lòng mà giải quyết với cái thái độ trung dung. Đại biểu cho tính cách đó là Phồn Y, là Lỗ Đại Hải và Chu Bình nữa. Những tính cách trái hẳn lại gặp việc gì cũng chỉ mong thỏa hiệp ấy là Chu Phác Viên và Lỗ Quý. Nhưng mấy nhân vật này chỉ là lớp bóng tối của mấy nhân cách trên, có nó thì bọn kia mới thành ra sáng láng. Lỗ Thị Bình, Tú Phượng và Chu Xung là những màu sắc xen vào giữa hai lớp sáng và tối trên kia để làm những bực thang giữa hai vùng cực đoan đó. Cho nên trong khuôn khổ tập Lôi vũ, Phồn Y là một nhân vật rõ rệt hơn ai hết. Đời Phồn Y đã bị đốt cháy bạch như một luồng điện và cũng ngắn ngủi như thế. Tình dục nung đúc cảnh ngộ lên một đóa hoa lửa. Lúc ngôi hỏa tinh tắt lực thì đời sống của Phồn Y cũng kết liễu nốt. Tính cách Phồn Y là một tính cách cực kỳ “lôi vũ” (chữ này là một chữ tôi đặt ra trong lúc không tìm được một hình dung từ nào đúng hơn nữa). Đời Phồn Y là một kiếp người thêu dệt bằng một mối tình rất thảm khốc và một mối giận rất nhẫn tâm. Phồn Y đã ôm ấp bao nhiêu mâu thuẫn trong mọi sự hành động mà lại không một mối mâu thuẫn nào là không cực đoan. “Cực đoan” và “mâu thuẫn” là hai mối cơ cấu tất nhiên trong hoàn cảnh náo nhiệt của Lôi vũ. Sự chuyển biến của bản kịch đều bởi đó mà ra cả.
Kể cả tám vai tuồng trong bản kịch, nhân vật mà tôi mơ tưởng ra trước hết và có vẻ xác thiết hơn hết là Phồn Y và Chu Xung. Những vai khác như Phượng, Phác Viên và Lỗ Quý tuy rằng trong lúc ấp nghén cũng đã làm cho tôi cảm thấy nhiều nỗi đau đớn và mừng rỡ, nhưng sau lúc đã thoát thai thì tôi lại không được hài lòng cho lắm. (Nói thế không phải nói rằng hai nhân vật trên kia là đã hoàn hảo hẳn, chẳng qua tôi đem đặt lên đầu chỉ vì hai nhân cách đó đã tóm được trí tưởng tượng của tôi). Tôi thích một người đàn bà như Phồn Y nhưng tài nghệ tôi lại quá yếu đuối. Tôi biết rằng vai Phồn Y trên sân khấu và vai Phồn Y trong cao vọng của tôi thiệt đã xa nhau quá đỗi. Mặc dầu một nhà tác giả thế nào cũng không thể không có chút tự tình. Đối với Phồn Y tôi những mơ màng cảm thấy rằng đấy là một người bạn quen thuộc lắm rồi, nhưng tôi cũng vẫn thẹn vì nỗi chưa hề vẽ cho người ấy được một bức hình chân thực hơn nữa. Lâu nay vẫn mong được một nhà nghệ sĩ có đủ linh hồn và nghệ thuật để đóng vai Phồn Y, để cung cấp cho Phồn Y một tấm hình hài linh động. Tôi tin rằng Phồn Y là một nhân vật có thể xúc động lòng thương xót và kính trọng của tôi, tôi sẽ chảy nước mắt mà thương xót một người đàn bà đáng thương như vậy. Tôi sẽ tha thứ cho Phồn Y dầu Phồn Y đã làm nên một tội đại ác, đã bỏ rơi mất cả cái thiên chức thần thánh của một bà mẹ. Không biết rằng chính mắt tôi tôi đã thấy được bao nhiêu Phồn Y (lẽ cố nhiên họ không là Phồn Y thiệt vì họ không hề có can đảm như Phồn Y). Bọn họ đều tìm cách sinh nhai trong cõi đời ẩm thấp nhưng lòng họ lại cao tận giời; tình dục là một thứ lửa không thể dùng nước tưới tắt được mà giời lại bắt bọn họ phải sống trong cái đám cát khô khan. Hạng đàn bà ấy phần nhiều có những mối tâm linh rất đẹp đẽ nhưng chỉ phát triển không được chính đáng và hoàn cảnh áp bức mà bọn họ hóa ra quái gở, thành thử người ta không hiểu được. Những bọn đàn bà bị người đời ghét bỏ, xã hội áp chế và uất ức suốt đời không hề thở được một luồng không khí tự do nào như vậy, trong cái xã hội chúng ta đây cũng chưa biết là nhiều hay ít. Trong cảnh ngộ những con người ấy, Phồn Y hẳn là một nhân vật đáng được người ta khen. Với áng tình như lửa rực, với quả tim can trường, Phồn Y đã có gan tháo hết bao nhiêu xiềng xích, liều một trận phấn đấu như một con thú đến bước đường cùng. Dầu rằng vẫn rơi xuống hầm lửa và tình dục đã đốt điên cả cuống tim thì cũng chính vì thế mà Phồn Y lại càng được người ta thương xót và kính phục. Kể ra như vậy chẳng đáng phục hơn những hạng đàn ông gà thiến chỉ sống một cách tầm thường nhu nhược ngày này qua ngày khác hay sao?
Một người bạn tôi đã nói cùng tôi là anh ấy yêu Phồn Y; anh ấy lại bảo rằng chỗ đáng yêu của vai tuồng này không phải chỗ “đáng yêu” của nó mà chính ở chỗ “không đáng yêu” kia. Quả có thế. Nên lấy kích thước tầm thường mà đo lường Phồn Y thì Phồn Y thực cũng chẳng có gì là hơn người. Nhưng có đem bao nhiêu người đàn bà vẫn gọi là “đáng yêu” kia nhóm lại một chỗ, thì ta thấy ngay rằng Phồn Y rất là dồi dào về phần ma lực hướng dẫn và mê muội người ta. Thứ ma lực ấy người đời khó hiểu được, nhưng cũng chỉ có những người quen ngậm gừng mới có thể nói rõ được cái…
(còn tiếp)
1 Comment