Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt (1998) về phụ âm

Theo Đinh Lê Thư và Nguyễn Văn Huệ (1998), phụ âm, cùng với nguyên âm, là những đơn vị ngữ âm đoạn tính. Tuy nhiên, trong khi nguyên âm được cấu tạo bởi (1) một luồng hơi tự do, không bị cản trở, không có vị trí cấu âm; (2) bộ máy cấu âm căng thẳng toàn bộ; (3) luồng hơi ra yếu thì phụ âm lại (1) bị cản trở bởi chướng ngại do các khí quan tiếp xúc nhau hoặc nhích gần nhau mà thành (điểm có chướng ngại là vị trí cấu âm); (2) bộ máy cấu âm chỉ căng thẳng ở vị trí cấu âm; (3) luồng hơi ra mạnh. Đó là định nghĩa dựa trên phương diện cấu âm.

Còn về mặt chức năng. khi tham gia cấu tạo nên âm tiết, phụ âm đóng vai trò là phụ âm đầu và âm cuối (trừ phụ âm vang có thể tạo đỉnh âm tiết như nguyên âm).

Phân loại phụ âm

Cách 1 | Dựa trên mối quan hệ giữa tiếng thanh và tiếng ồn:

Phụ âm vang và phụ âm ồn. Phụ âm vang có tiếng thanh nhiều hơn tiếng ồn. Nhóm phụ âm vang này gồm [m], [n], [ɲ], [ŋ], [l]. Chúng bị chặn lại ở vị trí cấu âm nên tìm cách thoát ra qua đường mũi (nasals) hoặc hai bên (approximant). Chính vì thế, chúng có đặc tính <<luồng hơi tự do>> của nguyên âm.

Dựa trên hoạt động của dây thanh, phụ âm ồn lại được phân thành hữu thanh (voiced) và vô thanh (voiceless).

Cách 2 | Dựa trên phương thức cấu âm: 

Tức cách luồng hơi đi qua vị trí cấu âm, phụ âm còn được phân thành tắc, xát và rung. Tắc là [b], [t], [d]. Xát là [f], [v], [s], [z], [h]. Rung là [r].

Người ta phân chia sự cấu âm của phụ âm thành ba giai đoạn: tiến (khí quan tiến về vị trí cấu âm), giữ (khí quan phát âm ở vị trí cấu âm) và lùi (khí quan rời khỏi vị trí cấu âm). Mọi âm tắc đều giống nhau ở giai đoạn tiến giữ. Nhưng đến giai đoạn lùi thì có sự khác nhau giữa âm nổ, âm mũi, âm tắc-xát và âm khép.

Âm nổ: chặn lại rồi mở ra đột ngột, như [b], [đ], [t], [k]. Nếu sau tiếng nổ, có một lượng lớn không khí ùa ra, thì gọi là phụ âm bật hơi, như [th].

Âm mũi: tiếng nổ hình thành trong khoang miệng, nhưng khí cũng đồng thời thoát ra qua khoang mũi, như [m], [n].

Âm tắc-xát: ban đầu tắc nhưng khi mở, chỉ mở hẹp, gây ra xát.

Các phụ âm khép: Những phụ âm khép lại âm tiết không có giai đoạn lùi mà kết thúc ngay chỗ tắc.

Cách 3 | Dựa trên vị trí cấu âm:

Theo vị trí tạo ra tiếng hồn trên khí quan bị động, phân thành các phụ âm môi, răng, lợi, ngạc, mạc, lưỡi con, yết hầu, thanh hầu. Còn theo khí quan chủ động thì là môi, lưỡi trước, lưỡi giữa, lưỡi sau, lưỡi con, yết hầu, thanh hầu.

Chính xác hơn, khí quan chủ động và khí quan bị động sẽ kết hợp với nhau để tạo thành các nhóm phụ âm nhỏ hơn, như môi-môi hay môi-răng… Lưỡi trước được chia thành nhiều nhóm, nhưng đáng chú ý nhất là âm tạo bởi đầu lưỡi (apical) và âm quặt lưỡi (cacuminal).

Cấu âm bổ sung

Một số ngôn ngữ còn có cấu âm bổ sung, làm thay đổi sắc thái các âm. Đó là các hiện tượng bật hơi, môi hóa, ngạc hóa, mạc hóa, yết hầu hóa, thanh hầu hóa, mũi hóa.

Trong tiếng Việt, các cấu âm bổ sung có vai trò quan trọng hơn cả là bật hơi (âm [th]); thanh hầu hóa, tức là bổ sung động tác tắc kèm theo sự nâng lên của thanh hầu, như trong các tiếng “ăn”, “uống”, “uể”, “oải” hoặc trước các phụ âm hữu thanh như [b], [đ] và [l]; và yết hầu hóa, bổ sung động tác khép của yết hầu. Hai hiện tượng này góp phần hiện thực hóa một số phụ âm đầu và thanh điệu tiếng Việt.

Giáo trình có đề cập đến khía cạnh âm học của âm, tức ngữ âm học âm học (acoustic phonetics), một khía cạnh bổ sung cho ngữ âm học cấu âm (articulatory phonetics) giúp chúng ta phân biệt được phụ âm vang với nguyên âm. Tuy nhiên, bài nghiên cứu phụ âm của chúng ta chỉ xem xét ở góc độ cấu âm, nhằm mục đích hỗ trợ việc giảng dạy phát âm, nên thiết nghĩ phần này không cần thiết, có thể lược bỏ.

Về mối quan hệ giữa âm tố (sound) và âm vị (phoneme), cuốn sách này ghi:

Mỗi ngôn ngữ chọn lấy từ trong sự đa dạng của các âm tố một số lượng hữu hạn các đơn vị âm thanh cơ bản dùng để cấu tạo những đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ và để phân biệt chúng với nhau. Những đơn vị ấy gọi là âm vị. Chúng là đối tượng nghiên cứu của bộ môn quan trọng là âm vị học.

Người ta thường định nghĩa âm vị là đơn vị nhỏ nhất của cơ cấu âm thanh ngôn ngữ, dùng để cấu tạo và phân biệt hình thức ngữ âm của những đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ – từ và hình vị.

Phụ âm đầu

Trong mối quan hệ với các yếu tố của âm tiết, phụ âm đầu là những đơn vị độc lập hơn cả. Nó hầu như không liên quan đến các đặc tính của phần vần.

Những âm tiết như ăn, uống, uể, oải tuy không có ghi phụ âm đầu trong chữ viết nhưng trong thực tế, xuất hiện những âm tắc thanh hầu [ʔ].

Trong từng phương ngữ, một số đối lập có trên chữ viết có thể bị mất đi, hoặc bị thay thế. Ví dụ: tiếng Hà Nội không có đối lập tr – ch, x – s và gi – d – r. Trong tiếng miền Nam, /v/ và /z/ được thay bằng /j/.

Hiện nay, hệ thống âm đầu được sử dụng thực tế trong nhà trường và trên các văn bản, chung cho các phương ngữ là hệ thống phụ âm đầu được hình thành trên cơ sở phát âm Hà Nội cộng với sự phân biệt các phụ âm tr-ch, x-s và gi-d-r. Gồm có 22 phụ âm đầu như sau:

/b, m, f, v, t, tʰ, d, n, s, z, l, ʈ, ʂ, ʐ, c, ɲ, k, ŋ, x, ɣ, ʔ, h/

Về mặt cấu âm, vị trí cấu âm là một trong ba tiêu chí để khu biệt phụ âm đầu (cùng với phương thức cấu âm và thanh tính – có hay không có tiếng thanh).

Vị trí cấu âm

Theo vị trí cấu âm, có các nhóm phụ âm đầu:

Âm môi: / b, m, f, v /

Âm lưỡi, gồm các nhóm nhỏ hơn:

  • Đầu lưỡi: / t, tʰ, d, n, s, z, l /
  • Cong lưỡi: /ʈ, ʂ, ʐ /
  • Lưỡi giữa: / c, ɲ /
  • Lưỡi sau: / k, ŋ, x, ɣ /

Âm thanh hầu: / ʔ, h /

Phương thức cấu âm:

Các phụ âm đầu tiếng Việt đối lập nhau theo tiêu chí tắc/xát.

Thanh tính:

Các phụ âm vang

  • Các phụ âm vang mũi: / m, n, ɲ, ŋ /
  • Phụ âm vang bên: /l/

Các phụ âm ồn:

  • Hữu thanh: / b, d, v, z, ʐ, ɣ /
  • Vô thanh: / t, tʰ, ʈ, c, k, ʔ, f, s, ʂ, x, h /. Trong này, /t/ và /tʰ/ lại đối lập nhau ở chỗ không bật hơi – bật hơi.

Tuy nhiên, thế tương liên vô thanh – hữu thanh trong tiếng Việt không bền vững. Có quan điểm cho rằng, phụ âm tiếng Việt không đối lập theo vô thanh/ hữu thanh mà theo tiêu chí căng/ lơi hoặc mạnh/yếu (L. Thompson, 1965). Lại có học giả nói: “Hệ thống phụ âm đầu tiếng Việt có đặc tính là không cân đối: thế đối lập nhiều chiều thống trị và vắng mặt thế đối lập loại hình” (M. V. Gordina, 1984).

Giáo trình Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt vẫn xem tiêu chí thanh tính là tiêu chí khu biệt, vì trên thực tế chưa ai đo được các mức căng/lơi, mạnh/yếu của phụ âm tiếng Việt một cách chính xác. Còn đặc tính về tiếng thanh thì dễ nhận ra bằng thính giác và các máy móc thí nghiệm hiện có.

Bẳng phân loại phụ âm tiếng Việt về mặt cấu âm:

Phụ âm cuối

Vệ mặt âm vị học, hệ thống âm cuối trong tiếng Việt gồm có 2 bán nguyên âm và 6 phụ âm. 6 phụ âm cuối này đối lập nhau theo phương thức cấu âm (mũi/không mũi) và vị trí cấu âm (môi/đầu lưỡi/mặt lưỡi).

2 Comments

  1. Bảng phụ âm của tài liệu này thiếu âm /r/ và âm /j/. Nếu chúng ta chiếu theo orthography của nước mình và quy định về sự khu biệt trong tiếng nói để từ đó hình thành nên một thứ tiếng Việt chuẩn, thì buộc phải có hai âm này. Cộng thêm âm /p/ ở vị trí âm cuối của âm tiết, tổng cộng sẽ là 25 phụ âm.

    b, c, d, đ, g(h), h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x, ch, kh, ng(h), nh, ph, th, tr, qu và gi

    Tương ứng với

    ɓ, k, j, ɗ, ɣ, h, l, m, n, p, ʐ, ʂ, t, v, s, c, x, ʈ, ɲ, ŋ, f, tʰ, z và âm tắc thanh hầu ʔ. Còn “qu”, tức /kw/ là 1 consonant cluster.

  2. Thái độ của chúng ta với phương ngữ là như thế nào? Xem những đặc tính phương ngữ như là lỗi phải khắc phục cho bằng được hay xem đó như một thực tế phải được công nhận. Nghĩa là dù có sự phân biệt trong hệ thống chữ viết, nhưng trong tiếng nói, mỗi địa phương được phép giản lược theo cách truyền thống của mình?

    Đó là vấn đề của giảng dạy tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

    Tuy nhiên, trong phạm vi bài luận này, tốt nhất nên lựa chọn một phương ngữ là phương ngữ Hà Nội để so sánh, vì nếu so sánh đối chiếu với mục đích thực tiễn mà không dựa trên cứ liệu thực tiễn thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Chẳng hạn chúng ta có thể phát hiện ra điểm giống nhau giữa âm /r/ tiếng Việt miền Nam và âm /r/ tiếng Anh. Nhưng nếu người Bắc phát âm /r/ thành /z/ thì sự so sánh này khá vô nghĩa. Thay vào đó, nên so sánh giữa /z/ trong tiếng Anh và /gi/ của tiếng Việt khác nhau thế nào.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s