Ferdinand de Saussure, trong cuốn Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, đã làm rõ những mặt đối lập của ngôn ngữ như một hệ thống tín hiệu. Đó là những mặt đối lập:
- Ngôn ngữ & lời nói -> Đối tượng của ngôn ngữ học là ngôn ngữ.
- Cái biểu hiện & cái được biểu hiện -> Chúng gắn bó, quy định lẫn nhau thành một thể thống nhất.
- Mặt nội tại & mặt ngoại tại -> Ngôn ngữ học chỉ khảo sát, nghiên cứu các mặt nội tại. Các mặt ngoại tại thì không cần, thậm chí còn gây bất lợi cho việc nghiên cứu ngôn ngữ.
- Thể chất (chất liệu) của hệ thống & bản thân hệ thống -> Ngôn ngữ là một hình thức, không phải một chất liệu.
- Đương đại & lịch đại (hay tĩnh trạng & diễn trình) -> Ngôn ngữ học nghiên cứu ngôn ngữ đương đại, tĩnh trạng. Hiểu biết lịch đại không cần, thậm chí gây bất lợi cho việc nghiên cứu ngôn ngữ.
- Nghiên cứu ngôn ngữ là nghiên cứu một hệ thống, phải phát hiện những quan hệ trong lòng hệ thống, từ đó xác lập các giá trị của các yếu tố hợp thành. Cặp quan hệ nổi tiếng mà Saussure phát hiện ra là cặp quan hệ đồng nhất/đối lập và cặp quan hệ hình tuyến (tuyến tính, ngang)/ trực tuyến (đối vị, dọc).
Học thuyết này đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ học thế giới, làm hình thành nên ba trường phái ngôn ngữ học:
- Trường phái miêu tả Mĩ (còn gọi là chủ nghĩa miêu tả – descriptivisme, chủ nghĩa phân bố – distributionnalisme)
- Trường phái cấu trúc – chức năng Praha (structuralisme fonctionnel)
- Trường phái ngữ vị học Copenhague (Glossematique)
Những trường phái trên đây xây dựng lý thuyết, phương pháp, thủ pháp nghiên cứu dựa trên một số hoặc toàn bộ các luận điểm của Saussure; hiện đã thay đổi cơ bản hoặc đã bị vượt qua nên được gọi là các trường phái cấu trúc luận cổ điển.
Trong đó, đóng góp nhiều nhất trong lĩnh vực ngữ âm học và âm vị học có lẽ là trường phái cấu trúc – chức năng Praha. Trong công trình Những luận điểm của câu lạc bộ ngôn ngữ Praha công bố năm 1929, có luận điểm sau:
Âm vị là các yếu tố thanh học – vận động nhỏ nhất, có giá trị khu biệt ý nghĩa của ngôn ngữ. Nghiên cứu hệ thống âm vị của một ngôn ngữ là lập được bản thống kê các âm vị và xác lập các quan hệ giữa chúng. Trong các quan hệ âm vị học, quan trọng là các tương liên âm vị học. Một tương liên âm vị học là một kiểu đối lập giữa một cặp âm vị dựa trên một tiêu chí nào đó. Chẳng hạn: nguyên âm có trọng âm/nguyên âm không có trọng âm; hữu thanh/vô thanh; cứng/mềm; dài/ngắn..
Nghiên cứu âm thanh của một ngôn ngữ còn là nghiên cứu sự kết hợp thực có các âm vị trong một ngôn ngữ so sánh với những khả năng kết hợp có thể có của chúng.